🛒Ngành Bán lẻ
Last updated
Last updated
Cùng với sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế, ngành bán lẻ Việt Nam cũng có nhiều chuyển biến đáng kể. Sự cạnh tranh giữa các thương hiệu cùng với sự đa dạng trong các phương thức kinh doanh đã tạo ra một môi trường bán lẻ đa dạng và phong phú. Bên cạnh đó, sự lan tỏa của công nghệ và thị hiếu tiêu dùng mới đã thúc đẩy sự đổi mới và phát triển không ngừng của ngành bán lẻ tại Việt Nam, từ đó đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng trong thời đại số hóa và toàn cầu hóa.
Những biểu đồ tài chính phổ biến được dùng để phân tích cổ phiếu thuộc nhóm ngành này:
Phải thu, Tồn kho và Phải trả người bán: Thể hiện giá trị Khoản phải thu, Hàng tồn kho và Khoản phải trả qua các thời kỳ. Đây là những chỉ tiêu rất quan trọng vì ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng tài chính, hoạt động kinh doanh và mối quan hệ với khách hàng và nhà cung cấp của doanh nghiệp ngành Bán lẻ.
Bên cạnh giá trị khoản phải thu, hàng tồn kho và khoản phải trả, quý nhà đầu tư có thể quan sát thêm những chỉ số liên quan như:
Vòng quay khoản phải thu: Chỉ số này càng cao, số lần các khoản phải thu được chuyển đổi thành tiền mặt càng cao, đồng nghĩa với thời gian trung bình thu hồi một khoản công nợ càng ngắn. Điều này chứng tỏ doanh khả năng thu hồi các khoản nợ phải thu của doanh nghiệp hiệu quả, chính sách bán hàng hợp lý.
Vòng quay hàng tồn kho: Chỉ số này càng cao càng cho thấy doanh nghiệp bán hàng nhanh và hàng tồn kho không bị ứ đọng nhiều. Tuy nhiên, chỉ số này quá cao cũng chưa chắc đã tốt vì đồng nghĩa với lượng hàng dự trữ trong kho không nhiều, nếu nhu cầu thị trường tăng đột ngột hoặc nguồn cung bị tắc nghẽn trong khi nhu cầu hàng lại có số lượng lớn thì rất có khả năng doanh nghiệp không có đủ lượng hàng tồn kho cần thiết, dẫn tới dễ bị mất khách hàng và bị đối thủ cạnh tranh chiếm mất thị phần.
Vòng quay khoản phải trả: Tỷ lệ này tăng lên đồng nghĩa với doanh nghiệp có nhiều tiền mặt hơn để thanh toán các hóa đơn và nợ ngắn hạn một cách kịp thời. Tuy nhiên, về lâu về dài, tỷ lệ tăng cũng có thể dẫn đến việc công ty không tái đầu tư vào hoạt động kinh doanh của mình, điều này có thể dẫn đến giảm tốc độ tăng trưởng và hiệu quả hoạt động của công ty. Chỉ số này sụt giảm cho thấy các doanh nghiệp đang mất quá nhiều thời gian để thanh toán cho các nhà cung cấp. Ngoài ra, hệ số vòng quay khoản phải trả thấp hơn có nghĩa là doanh nghiệp có các điều khoản thanh toán khác với các nhà cung cấp của mình.
Chi phí hoạt động: Biểu đồ thể hiện sự tương quan giữa tốc độ tăng trưởng của chi phí hoạt động, chi phí bán hàng so với doanh thu từ đó giúp đánh giá sự hiệu quả trong việc kiểm soát chi phí của doanh nghiệp.
Lưu chuyển dòng tiền: Trong lĩnh vực bán lẻ, việc mua hàng thường được thực hiện bằng tín dụng. Do đó, việc theo dõi, đánh giá và quản lý dòng tiền hiệu quả là rất cần thiết để đảm bảo khả năng thanh toán cho nhà cung cấp đúng hạn và tránh mọi tác động tiêu cực đến danh tiếng cũng như sự ổn định tài chính của doanh nghiệp.
Tăng trưởng Doanh thu và Lợi nhuận: Biểu đồ này thể hiện sự thay đổi của doanh thu và lợi nhuận qua các thời kỳ, giúp nhà đầu tư, cổ đông và các bên liên quan có cái nhìn tổng quan về khả năng sinh lời của doanh nghiệp.
Cơ cấu Lợi nhuận gộp và Chi phí: Lợi nhuận gộp tập trung vào lợi nhuận thu được từ quá trình sản xuất hoặc cung cấp dịch vụ cốt lõi. Do đó, việc theo dõi lợi nhuận gộp và chi phí hoạt động sẽ giúp đánh giá sự hiệu quả của hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp.
ROE - Phân tích Dupont: Biểu đồ giúp đánh giá tác động của Biên lãi ròng, Vòng quay tài sản và Đòn bẩy tài chính lên tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.