📑Cấu trúc báo cáo tài chính

Báo cáo tài chính đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin về tình hình tài chính của một doanh nghiệp. Để hiểu rõ và đánh giá chính xác thông tin từ báo cáo tài chính, quý nhà đầu tư cần có kiến thức vững về cấu trúc và ý nghĩa của từng báo cáo thành phần. Dưới đây là một cái nhìn tổng quan về cấu trúc của báo cáo tài chính.

  1. Bảng cân đối kế toán

Bảng Cân đối kế toán cung cấp cái nhìn tổng quan về tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tại một thời điểm nhất định. Các mục quan trọng bao gồm tài sản cố định, tài sản lưu động, nợ ngắn hạn và dài hạn, cùng với vốn chủ sở hữu. Điều này giúp nhà đầu tư đánh giá được cơ sở tài chính của doanh nghiệp và khả năng thanh toán nợ.

🎯 Tài sản:

  • Tài sản ngắn hạn: là những tài sản có thời gian tồn tại hoặc sử dụng không quá 1 năm hoặc trong 1 chu kỳ kinh doanh. Tài sản ngắn hạn bao gồm tiền và các khoản tương đương tiền, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, các khoản phải thu, hàng tồn kho và tài sản ngắn hạn khác.

  • Tài sản dài hạn: Bao gồm các tài sản mà doanh nghiệp sở hữu và sử dụng trong hoạt động kinh doanh lâu dài như các khoản thu phải thu dài hạn, tài sản cố định, bất động sản đầu tư, tài sản dở dang dài hạn, đầu tư tài chính dài hạn, tài sản dài hạn khác, máy móc, thiết bị, đất đai, nhà xưởng,...

️🎯 Nguồn vốn:

  • Nợ phải trả: Nợ phải trả là nghĩa vụ hiện tại của doanh nghiệp phát sinh từ các sự kiện và giao dịch đã qua mà doanh nghiệp phải thanh toán từ các nguồn lực của mình.

  • Vốn chủ sở hữu: là một trong những yếu tố hình thành nguồn vốn của doanh nghiệp và thể hiện tổng giá trị các tài sản mà chủ doanh nghiệp sở hữu hoặc đồng sở hữu cùng các cổ đông, thành viên liên doanh.

  1. Báo cáo kết quả kinh doanh

Bảng báo cáo kết quả kinh doanh thể hiện doanh thu, chi phí và lợi nhuận của doanh nghiệp trong một khoảng thời gian nhất định. Các mục quan trọng bao gồm doanh thu thuần, lợi nhuận gộp, chi phí hoạt động và lợi nhuận ròng. Điều này giúp nhà đầu tư đánh giá hiệu suất tài chính của doanh nghiệp trong việc tạo ra lợi nhuận.

️🎯 Doanh thu: Là tổng số tiền mà một doanh nghiệp thu được từ việc cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ trong một khoảng thời gian nhất định.

️🎯 Chi phí: Là tổng số tiền mà doanh nghiệp chi trả để sản xuất hoặc cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ.

️🎯 Lợi nhuận: Là số tiền còn lại sau khi trừ đi tất cả chi phí từ doanh thu.

  1. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ

Bảng lưu chuyển tiền thể hiện nguồn tiền mà doanh nghiệp đã tạo ra và sử dụng trong một khoảng thời gian cụ thể. Nó chia thành ba phần chính: Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh, dòng tiền từ hoạt động đầu tư và dòng tiền từ hoạt động tài chính. Bảng này giúp nhà đầu tư hiểu được nguồn gốc của tiền và cách doanh nghiệp sử dụng nó.

️🎯 Dòng Tiền từ Hoạt Động Kinh Doanh (Operating Cash Flow - OCF):

  • Đặc điểm: Đo lường dòng tiền mà doanh nghiệp tạo ra và chi tiêu từ hoạt động kinh doanh chính của mình.

  • Nguồn Gốc: Bao gồm tiền thu từ bán hàng, thanh toán từ khách hàng, chi phí sản xuất, chi phí hoạt động và các chi phí khác liên quan đến hoạt động kinh doanh.

  • Mục Tiêu: Mục tiêu là đảm bảo doanh nghiệp có đủ dòng tiền để duy trì và phát triển hoạt động kinh doanh hàng ngày.

️🎯Dòng Tiền từ Hoạt Động Tài Chính (Financing Cash Flow - FCF):

  • Đặc Điểm: Đo lường dòng tiền mà doanh nghiệp tạo ra và chi tiêu từ các hoạt động tài chính như vay nợ, trả nợ, cấp cổ tức và mua bán cổ phần.

  • Nguồn Gốc: Bao gồm các hoạt động như vay nợ từ ngân hàng, trả nợ, phát hành cổ phiếu mới, cổ tức trả cho cổ đông.

  • Mục Tiêu: Mục tiêu là quản lý cấu trúc vốn, đảm bảo có đủ nguồn tài trợ và duy trì mức độ nợ phù hợp.

🎯 Dòng Tiền từ Hoạt Động Đầu Tư (Investing Cash Flow - ICF):

  • Đặc Điểm: Đo lường dòng tiền mà doanh nghiệp tạo ra và chi tiêu từ các hoạt động đầu tư như mua bán tài sản cố định, đầu tư vào công ty khác.

  • Nguồn Gốc: Bao gồm chi tiêu cho tài sản cố định mới, mua bán tài sản cố định, đầu tư vào công ty con hoặc công ty liên kết.

  • Mục Tiêu: Mục tiêu là quản lý và đánh giá hiệu suất của các quyết định đầu tư, đồng thời đảm bảo tối ưu hóa giá trị cho cổ đông.

  1. Bảng thuyết minh báo cáo tài chính

Bảng thuyết minh báo cáo tài chính cấp thông tin chi tiết hơn về các số liệu và chính sách kế toán được áp dụng trong báo cáo. Điều này giúp nhà đầu tư hiểu rõ hơn về các quyết định và ước lượng mà doanh nghiệp đã thực hiện.

Last updated